Tạ ơn LTXC, Đấng quan phòng thần linh đã tuyển chọn cho Giáo Hội và thế giới Vị Giáo hoàng 267 chiều hôm 8/5/2025 chỉ sau 4 vòng bầu. Khi được đọc bài giảng của Đức tân Giáo hoàng Lêô XIV, Thánh Lễ khai mạc sứ vụ Phêrô của Đức Tân Giáo Hoàng Lêô XIV (18/05), người viết này càng cảm thấy ứng nghiệm hơn bao giờ hết những gì đã được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phác họa trong bức Tông Thư "Mở màn cho một tân thiên kỷ", một tông thư ngài đã ban hành vào ngày kết thúc Đại Năm Thánh 2000, ngày Lễ Hiển Linh mùng 6/1/2001. Trong bức Tông Thư có 4 phần này, đối với người viết có tính cách tiên tri ngôn sứ này, như người viết đã từng chia sẻ trong thời gian sau Lễ an táng Đức cố Giáo Hoàng Phanxicô cuối Tháng 4/2025 và đầu tháng 5/2025 trước Mật nghị bầu chọn tân Giáo hoàng 7/5/2025 vừa qua, người viết đã thấy quả thực là ứng nghiệm trọn vẹn và chính xác nơi 4 vị Giáo hoàng thuộc tân thiên kỷ thứ 3 Kitô giáo, bao gồm Đức Gioan Phaolô II, Đức Biển Đức XVI, Đức Phanxicô và Đức Lêô XIV.
Trong việc chọn bầu tân Giáo hoàng của Mật nghị Hồng y, nếu độc giả theo dõi kỹ các emails liên quan đến vị tân Giáo hoàng, đã thấy người viết nhấn mạnh đến khía cạnh liên tục giữa các triều Giáo hoàng và liên hệ của các triều Giáo hoàng với nhau. Và người viết đã thấy tính cách liên tục và liên hệ này nơi 4 vị Giáo hoàng cận đại và hiện đại như trong các emails đã chia sẻ trước đây về 3 vị tiền nhiệm của Đức tân Giáo hoàng Lêô XIV, thậm chí về cả vị tân giáo hoàng dù chưa biết ngài là ai: "Đức cố Giáo hoàng Phanxicô: Vị Kế nhiệm" - email ngày 2/5; "Đức cố Giáo hoàng Phanxicô: Vị tiền nhiệm Biển Đức XVI" - email ngày 3/5; "Đức cố Giáo Hoàng Phanxicô: Vị tiền nhiệm Gioan Phaolô II" - email ngày 4/5; và "Đức cố Giáo hoàng Phanxicô: Vị Kế nhiệm - Đức Gioan XXIV 'Chứng nhân của tình yêu"? - Email ngày 6/5.
Thậm chí sau khi Giáo Hội đã có Đức tân Giáo Hoàng Lêô XIV, qua những gì được truyền thông, nhất là từ Vatican News, tiết lộ về ngài, người viết còn phổ biến thêm một email nữa vào ngày 14/5: "Giáo triều của Vị tân Giáo hoàng Lêô XIV: 'Những chứng nhân của tình yêu'". Nhưng cho đến hôm nay, Chúa Nhật V Phục Sinh, ngày 18/5/2025, đúng vào ngày sinh nhật thứ 105 của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, vị Giáo hoàng đã ban hành Tông Thư ngôn sứ "Novo Millennio Inuente - Mở màn cho một tân thiên kỷ" 2001, khi theo dõi bài giảng của Đức tân Giáo hoàng Lêô XIV cho Lễ khai triều của ngài, người viết lại càng cảm thấy rõ ràng hơn nữa và thực sự hơn bao giờ hết tất cả chân dung của một "Đức tân Giáo hoàng Lêô XIV - Dấu chỉ thời đại 'những chứng nhân của tình yêu'".
Giờ đây, căn cứ vào chính các văn kiện chính yếu của các ngài, của từng vị, của cả 4 vị giáo hoàng cận đại và hiện đại nhưng giáo triều của các vị dù ngắn hay dài cũng đều ở trong "tân thiên niên kỷ" thứ ba Kitô giáo, người viết xin cố gắng tóm gọn tính cách liên tục giữa các triều giáo hoàng và liên hệ của các triều giáo hoàng nơi 4 vị Giáo hoàng cận đại và hiện đại của chúng ta như sau:
1- "Gặp gỡ Chúa Kitô là Di sản của đại Năm Thánh 2000" - MEETING CHRIST THE LEGACY OF THE GREAT JUBILEE
ĐTC Gioan Phaolô II, "Vị Giáo hoàng vui mừng và hy vọng" https://youtu.be/CEIB7w4gTVk, vị Giáo hoàng giao thời từ cuối thế kỷ 20 cũng là cuối thiên kỷ thứ 2 Kitô giáo sang thế kỷ 21 cũng là thiên kỷ thứ 3 Kitô giáo (1978 - 2005), nên đỉnh điểm của giáo triều ngài là Đại Năm Thánh 2000, một Đại Năm Thánh rất quan trọng đối với ngài, đến độ đã được ngài sửa soạn dọn mừng suốt 3 năm, từ năm 1997. Cốt lõi cho giáo triều dài 26 năm rưỡi, dài thứ 3 trong lịch sử Giáo Hội của một vị giáo hoàng "đến từ một xứ sở xa xôi" đối với Roma là Balan Đông Âu cộng sản như ngài, đó là làm sao để thế giới loài người và riêng Giáo Hội "gặp gỡ Chúa Kitô". Và đó chính là lý do, ngay trong bài giảng khai triều của ngài ngày 22/10/1978, ngài đã phải lên tiếng kêu gọi: "Đừng sợ, hãy mở rộng các cửa cho Chúa Kitô". Tại sao?
Sau đó 8 tháng, ngài đã cho biết lý do tại sao "đừng sợ" Chúa Kitô, trái lại hãy "gặp gỡ Chúa Kitô", thậm chí, trong tình hình con người đang lo sợ nguyên tử bùng nổ, (như vào đầu Tháng 10/1962 khi Công Đồng Chung Vaticanô II sắp sửa khai mạc), giữa 2 khối cộng sản và tư bản bấy giờ đang chiến tranh lạnh, họ còn phải "gặp gỡ Chúa Kitô" nữa, bởi Chúa Kitô chính là "Đấng cứu chuộc nhân trần - Redemptor hominis", (nhan đề của Thông điệp đầu tay được ngài ban hành ngày mùng 4/3/1978), một Chúa Kitô đã trở thành "một dung nhan để chiêm ngắm" khi được gặp gỡ Người, đặc biệt là với giới trẻ là thành phần ngài đã thân tình giao lưu với họ khi ngài còn là linh mục ở Balan, để rồi sau khi làm Giáo hoàng ngài đã thiết lập Ngày Giới Trẻ Thế Giới từ năm 1984 để tạo cơ hội thuận lợi cho họ có thể "gặp gỡ Chúa Kitô"!
2- "Một dung nhan để chiêm ngắm" - A FACE TO CONTEMPLATE
ĐTC Biển Đức XVI, "vị Giáo hoàng Thần học gia nội tâm" https://youtu.be/gdA5SlKCX50, lấy tông hiệu Biển Đức là vị Thánh tổ phụ đời đan tu chiêm niệm, trong bài giảng khai triều của mình ngày 24/4/2005 ngài chẳng những lập lại lời kêu gọi "Đừng sợ, hãy mở rộng các cửa cho Chúa Kitô" của vị tiền nhiệm Gioan Phaolô II mà còn cho biết lý do tại sao con người lại sợ "Đấng Cứu chuộc nhân trần" là Đấng duy nhất có thể cứu họ:
"Tôi nghĩ về ngày 22/10/1978, ngày mà Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bắt đầu thừa tác vụ của mình tại Quảng Trường Thánh Phêrô đây. Những lời của ngài vào dịp ấy vẫn liên tục vang vọng trong tai tôi: ‘Đừng sợ! Hãy mở rộng các cửa cho Chúa Kitô!’ Vị Giáo Hoàng này đã ngỏ cùng thành phần thế lực, thành phần quyền lực của thế giới này, những thành phần sợ rằng Chúa Kitô có thể lấy đi một cái gì đó khỏi quyền lực của họ nếu họ để cho Người vào, nếu họ để cho đức tin được tự do... Bởi thế, hôm nay đây, bằng quyền năng mãnh liệt và bằng niềm xác tín vững chắc, căn cứ vào kinh nghiệm bản thân lâu đời của mình, hỡi giới trẻ thân mến, tôi muốn nói cùng quí bạn rằng: Xin đừng sợ Chúa Kitô! Ngài không lấy đi một điều gì đâu, mà Người lại ban cho các bạn hết mọi sự. Khi chúng ta hiến mình cho Người, chúng ta nhận lại được gấp trăm. Phải, hãy mở cửa, mở rộng cửa cho Chúa Kitô – và các bạn sẽ tìm thấy sự sống đích thực."
Trong Huấn từ Lạy Nữ Vương cho Chúa Nhật V Phục Sinh ngày 22/5/2011, ĐTC Biển Đức đã xác nhận Chúa Kitô "đã tỏ cho chúng ta biết dung nhan của Thiên Chúa, Đấng là tình yêu: Thiên Chúa có thể được thấy, Ngài trở nên hữu hình nơi Chúa Kitô - he has shown us the face of God, which is love: God can be seen, he is visible in Christ". Vậy "gặp gỡ Chúa Kitô" là để chiêm ngắm Người: Chúa Kitô thực sự là "một dung nhan để chiêm ngắm", nhờ đó mới "tìm thấy sự sống đích thực" nơi "Thiên Chúa là tình yêu", Đấng được vị giáo hoàng thần học gia nội tâm Biển Đức XVI chiêm ngắm và giáo huấn trong bức Thông điệp đầu tay "Deus caritas est" của ngài, được ngài ban hành ngày 25/12/2005.
3- "Bắt đầu lại từ Chúa Kitô" - STARTING AFRESH FROM CHRIST
Đúng thế, Đức Thánh Cha Phanxicô, "Vị Giáo hoàng Thừa sai Thương xót" https://youtu.be/6GT2kpUEUe0, đã nỗ lực trong suốt giáo triều 12 năm 1 tháng 8 ngày của ngài để làm sao cho Giáo Hội "bắt đầu lại từ Chúa Kitô", bằng cách chiêm ngắm Chúa Kitô là "Dung nhan Thương xót", như ngài đã chiêm ngắm, cảm nghiệm và trình bày trong Tông sắc "Misericordiae vultus", một văn kiện đã được ngài ban hành ngày 11/4/2015 để mở Năm Thánh Thương Xót ngoại lệ 2016.
Thực sự ngài đã cải cách Giáo Hội bằng cách canh tân về nguồn, đúng hơn là ngài đã hết sức chú trọng và đẩy mạnh việc cải cách tinh thần thế tục trong Giáo Hội, ở nơi chung đàn chiên được ủy thác cho ngài, nhất là ở nơi hàng giáo phẩm và giáo sĩ còn nặng tính cách quan liêu hưởng thụ hơn là dấn thân phục vụ, còn tỏ ra nghiêm khắc và trọng luật chỉ biết trừng phạt hơn là cảm thông và thương xót, phản lại với LTXC vô cùng nhân hậu, Đấng "đến để tìm kiếm và cứu vớt những gì đã hư hoại" (Luca 19:10), một LTXC là cốt lõi của tất cả Mạc khải Thần linh, Mạc khải Thánh kinh, một LTXC được tỏ hiện nơi "Dung nhan Thương xót" của mình là Chúa Giêsu Kitô, Đấng không bao giờ loại bỏ một ai, dù ngày xưa trong xã hội Do Thái họ có bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình đáng ném đá chết theo lề luật (xem Gioan 8:4-11), hay ngày nay trong xã hội nhân bản nhân quyền họ có là cộng sản, đồng tính hay ly dị tái hôn v.v., nghĩa là dù con người "nhân vô thập toàn" có tội lỗi đến đâu chăng nữa Người vẫn không loại bỏ họ, trái lại, họ càng lạc loài Người càng "yêu cho đến cùng" (Gioan 13:1), càng tìm kiếm cho bằng được như con chiên lạc đáng thương "không biết việc mình làm" (Luca 23:34).
Vì là Giáo triều "bắt đầu lại từ Chúa Kitô" mà trong bài giảng cuối cùng của vai trò làm giáo hoàng của mình cho Lễ Vọng Phục Sinh Năm Thánh 2025, Đức cố Giáo hoàng Phanxicô đã kết thúc với chữ "bắt đầu lại" nguyên văn như sau: "Anh chị em thân mến, trong niềm ngỡ ngàng của đức tin Phục Sinh, mang trong tim mọi khát vọng bình an và giải thoát, chúng ta có thể thưa: Cùng Chúa, lạy Chúa, tất cả đều mới mẻ. Cùng Chúa, tất cả lại bắt đầu."
4- "Những chứng nhân cho tình yêu" - WITNESSES TO LOVE
Phần cuối cùng của Tông Thư "Mở màn cho một tân thiên niên kỷ" của ĐTC Gioan Phaolô II cuối cùng cũng ứng nghiệm nơi Đức tân Giáo hoàng Lêô XIV nữa. Ở chỗ, căn cứ vào khẩu hiệu giáo phẩm của ngài là
"In Illo uno unum - Trong Đấng duy nhất, chúng ta là một", nhất là trong bài giảng cho lễ khai triều của ngài Chúa Nhật V Phục sinh ngày 18/5/2025, thì giáo triều của ngài là giáo triều của "những chứng nhân cho tình yêu" như những trích dẫn dưới đây:
- "Tôi được chọn không do công trạng nào, và với tâm tình khiêm tốn, tôi đến với anh chị em như một người anh em, mong được trở nên người phục vụ đức tin và niềm vui của anh chị em, cùng nhau bước đi trên con đường tình yêu Chúa, Đấng muốn quy tụ tất cả chúng ta thành một gia đình duy nhất.
- "Tình yêu và hiệp nhất: đó là hai chiều kích của sứ vụ Chúa Giêsu trao cho Thánh Phêrô....
- "Anh chị em thân mến, đây là ước nguyện lớn lao đầu tiên của tôi: một Giáo hội hiệp nhất, dấu chỉ của hiệp thông, trở nên men cho một thế giới được hòa giải.
- "Trong thời đại chúng ta, chúng ta vẫn thấy quá nhiều chia rẽ, quá nhiều vết thương gây ra bởi hận thù, bạo lực, thành kiến, sợ hãi người khác, bởi một mô hình kinh tế khai thác tài nguyên Trái đất và gạt người nghèo ra bên lề. Chúng ta muốn trở thành một chút men nhỏ bé của hiệp nhất, hiệp thông, tình huynh đệ trong khối bột ấy.
- "Chúng ta muốn nói với thế giới, với sự khiêm tốn và niềm vui: hãy nhìn lên Đức Kitô! Hãy đến gần Người! Hãy đón nhận Lời Người, Lời soi sáng và an ủi! Hãy lắng nghe lời mời gọi yêu thương của Người để trở thành một gia đình duy nhất của Người: trong Đức Kitô duy nhất, chúng ta là một....
- "Anh chị em thân mến, đây là giờ của tình yêu! Đức ái của Thiên Chúa, Đấng làm cho chúng ta trở nên anh chị em với nhau, là trái tim của Tin Mừng. Với Đức Giáo Hoàng Lêô XIII, hôm nay chúng ta có thể tự hỏi: nếu tiêu chuẩn này “được áp dụng trên thế giới, có phải mọi xung đột sẽ chấm dứt và hòa bình sẽ trở lại không?” (Thông điệp Rerum novarum, 21).
- "Với ánh sáng và sức mạnh của Chúa Thánh Thần, chúng ta hãy xây dựng một Giáo hội đặt nền trên tình yêu Thiên Chúa và trở thành dấu chỉ hiệp nhất, một Giáo hội truyền giáo, mở rộng vòng tay với thế giới, loan báo Lời Chúa, để lịch sử chất vấn mình, và trở thành men hòa hợp cho nhân loại.
Trong bài giảng khai triều của Đức tân Giáo hoàng Lêô XIV, chúng ta thấy được 2 yếu tố như người viết đã chú trọng và nhấn mạnh để tiên đoán hay suy đoán về vị tân giáo hoàng thì giáo triều của ngài thật sự là có tính cách liên tục và liên hệ mật thiết bất khả phân ly với 3 vị tiền nhiệm thuộc thiên kỷ thứ 3 Kitô giáo của ngài. Ở chỗ, như Đức Gioan Phaolô II và Đức Biển Đức XVI, những vị đã kêu gọi "Đừng sợ, hãy mở rộng các cửa cho Chúa Kitô", Đức tân Giáo hoàng Lêô XIV cũng kêu gọi: "Hãy nhìn lên Đức Kitô! Hãy đến gần Người! Hãy đón nhận Lời Người"; và cũng như Đức Phanxicô, vị đã tuyên bố "đây là thời điểm thương xót - this is the time of mercy" (6/3/2014 với hàng giáo sĩ Roma), ngài đã khẳng định "Đây là giờ khắc cho tình yêu - this is the hour for love!", ở chỗ, "Đức ái của Thiên Chúa, Đấng làm cho chúng ta trở nên anh chị em với nhau, là trái tim của Tin Mừng", một cảm nhận về "Giáo Hội truyền giáo, mở rộng vòng tay với thế giới, loan báo Lời Chúa", hoàn toàn âm vang Tông Huấn đầu tiên của Đức Phanxicô về "Niềm vui Tin Mừng - Evangelìi gaudium" (24/11/2013): "Niềm vui tin mừng tràn đầy con tim và đời sống của tất cả những ai gặp gỡ Chúa Kitô" (câu mở đầu).
TĐCTT Đaminh Maria cao tấn tĩnh

Leo PP. XIV
Robert Francis Prevost
8.V.2025